Logo
Vuaseo.com
KHỞI NGHIỆP - SỚM CHỨ ĐỪNG VỘI TẬP 2
Thời gian 17 năm thực là dài, nhiều người nói 17 năm mà anh cũng có làm được gì mấy đâu, không hoành tráng chuyên nghiệp như hàng ngày chúng ta vẫn thấy ở những startup. Chưa thành triệu phú tự thân hay nổi tiếng trên báo như cách thông thường. Sao anh dám nói từ ngày này qua ngày khác về khởi nghiệp như thế chứ, có gì đảm bảo?

Tôi đã thất bại 3 lần trong 17 năm đó, lần đầu thì ngập trong nợ nần vì thiếu sự lão luyện trong khởi nghiệp, khởi nghiệp mà như đánh bạc vậy! 2 lần thất bại sau thì trong tầm kiểm soát vì...đã có kinh nghiệm. Nói chung thì tính tôi hơi nghệ sĩ chứ không phải chỉn chu của mấy bác doanh nhân kiểu mẫu. Nhiều khi tôi ngồi so sánh với các hình mẫu doanh nhân thì thấy khá thất vọng vì mình chẳng hội đủ nổi 20% phong cách doanh nhân. Quái lạ là tôi chẳng muốn thay đổi chút nào, tôi thích là chính tôi hơn, là chính tôi mà thành công thì tôi mới cảm thấy mãn nguyện thực sự. Mới nghe qua thì có người sẽ nói tôi tự cao tự đại nhưng thực ra cách sống đó là rất khiêm tốn, khiêm tốn đến tận cùng của sự khiêm tốn. Bởi vì tôi chẳng muốn là ai cả, tôi chỉ muốn đơn giản là chính mình vui vẻ với những công việc nho nhỏ hàng ngày. Nếu thành công mà phải biến thành người khác thì thôi vậy, tôi sẽ trở về quê sống cuộc đời thanh đạm, chăn gà chăn vịt chăn rau cho xong.

HÃY KHỞI NGHIỆP ĐÚNG

Tôi gặp rất nhiều người ở những quốc gia giàu tiên tiến và điểm đặc biệt mà tôi thấy chính là khả năng phát triển hoàn chỉnh sự khác biệt cá nhân. Họ sống cứ như là một cuộc dạo chơi, trải nghiệm, tận hưởng, chia sẻ (share), giúp đỡ và bảo vệ. Ngay cạnh nhà em gái tôi có 1 bác người Thụy Sĩ cứ mỗi năm lại sang Việt Nam sống vài tháng để trải nghiệm. Mỗi lần ngồi ăn cơm với bác ấy là tôi cảm thấy có gì đó không ổn trong cách sống của người Việt, bởi vì ngay cả ăn cơm mà người ta cũng được tận hưởng cuộc sống chứ không giống như chúng ta. Rồi việc sẵn sàng chia sẻ hình như là tính cách của họ, cảm nhận của tôi là họ cảm thấy rất đầy đủ nên sẵn sàng chia sẻ mọi thứ trong khả năng của họ. Trong cuộc đời thú vị của mình, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người như vậy. Nhưng thứ mà tôi học ở họ nhiều nhất chính là họ luôn luôn bảo vệ sự sống này, họ kiếm sống trong sự thức tỉnh, bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ những điều tốt đẹp của con người. Thật lạ lùng là họ không hề chê bai công nghệ, họ cũng sử dụng công nghệ nhưng với sự tỉnh thức cao độ, tôi chẳng bao giờ thấy họ chọt chọt quẹt quẹt lướt Face khi đang nói chuyện hoặc làm việc, nhưng tôi biết là hiệu quả làm việc của họ rất, rất cao!


Một ngày nào đó không xa đâu, ở Việt Nam thì đang xảy ra rồi, chúng ta nhất định sẽ thấy hậu quả của những gì chúng ta đang làm. Lúc ấy tôi nghĩ sẽ chẳng còn quan trọng anh là tập đoàn lớn hay tập đoàn nhỏ, là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, chúng ta sẽ bị tự nhiên giáng cho những đòn tuyệt mạng. Khi dượng tôi hỏi chú tôi đang bị ung thư nằm một chỗ rằng có còn điều gì hối tiếc, chú nói chú còn 150 tỉ chưa xài hết!

Ở trên toàn thế giới và đặc biệt ở Việt Nam, con số đã lên tới chuyện báo động đỏ rồi. Hơn 300 người Việt chết mỗi ngày vì ung thư, bạn cứ thoải mái làm lơ những con số đó đi, lỗi chẳng phải của bạn chứ gì! Tôi nghĩ lỗi cũng chẳng phải của bạn, lỗi cũng chẳng phải của tôi, lỗi là của tất cả chúng ta!
Sự tham lam là không cần thiết, sự vội vã là không cần thiết, ấy thế nhưng chúng ta không một ai chịu ngừng lại một chút để nhìn vào bức tranh lớn rồi hãy đi tiếp. Tôi thấy nhiều người khởi nghiệp chỉ tìm đủ mọi cách kiếm chác, làm giàu nhanh, kiếm cho thật nhiều bất chấp kiếm xong rồi nằm đó xài không hết!

Đó mới chỉ là xét theo ảnh hưởng bên ngoài, nếu xét bên trong mỗi cá nhân thì lối khởi nghiệp tham lam và vội vã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người khởi nghiệp. Tham lam và tham vọng thực sự có thể gây ung thư, gây ra đủ thứ bệnh nguy hiểm khác nữa đấy bạn ạ! Điều này thì khoa học chứng minh được rồi. Còn sự vội vã thì khỏi phải nói, bạn cứ lái xe chạy vòng vòng các thành phố lớn và quan sát sẽ thấy sự vội vã có tác hại như thế nào. Rất khó để nhận ra vì chúng ta cũng đang trong dòng người vội vã ấy, nhưng làm ơn hãy nhận ra vì theo tôi thì đã muộn lắm rồi!

HÃY KHỞI NGHIỆP SỚM

17 năm trước tôi đã khởi nghiệp rồi.

Tuần rồi tôi vừa có một cuộc trò chuyện với 1 top writer trên chính group QT&KN, sau một hồi nói chuyện thì bạn đó nhận xét về tôi thế này: anh đúng là chuyên gia khởi nghiệp 0-1. Khởi nghiệp 0-1 tức là khởi nghiệp từ con số 0 cho đến lúc làm được một cái gì đó tạm gọi là thành công. Quá trình khởi nghiệp 0-1 khác xa so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Bởi vì để biến không thành có là một chuyện không hề đơn giản.

Tôi biết mình là ai khi tôi bắt đầu khởi nghiệp. Tôi biết gia đình mình là nông dân. Là nông dân thì không những là nghèo thôi đâu. Là nông dân có nghĩa là tôi từ bé đến lớn không được tiếp cận, không được ở trong môi trường kinh doanh. Là nông dân có nghĩa là tôi lỡ thất bại thì thảm lắm. Không giống như cậu Mark Facebook lỡ có mất Facebook thì cũng chẳng ảnh hưởng đến cậu nhiều, cậu vẫn là cậu Mark giàu!

Cho nên tôi phải chuẩn bị cho mình tất cả cho quá trình khởi nghiệp 0-1 đó. Biết mình là quan trọng, biết mình để có những bước đi phù hợp, từ việc kiếm tiền để đảm bảo chất lượng cuộc sống, cho đến việc thay đổi tư duy, cho đến việc thay đổi phong thái, cho đến việc tìm kiếm những cảnh giới cao hơn của thành công. Tôi không nói xuất phát điểm thấp thì không dám ước mơ lớn mà là phải rất thực dụng để có thể chạm tới giấc mơ đó trong hoàn cảnh cụ thể của mình.

Để có cậu Mark làm nên Facebook, cha mẹ của cậu từ trước đã nỗ lực để có một nền tảng tốt cho cậu ta. Tôi biết mình chỉ đang ở vai trò của cha mẹ cậu Mark mà thôi. Tôi phải làm gì đó để có một nền tảng tốt cho thế hệ sau, đó đã là một bước nỗ lực rất lớn từ xuất phát điểm nông dân, trong một môi trường cũng nông dân nốt!

Sau 7,8 năm gì đó nỗ lực, những thành quả nho nhỏ của tôi đủ sức để dẫn đường cho những đứa em, chúng nó tự tin hơn để lao ra làm ăn, khởi nghiệp mà không phải sợ hãi rằng không làm được. Ít ra cũng có ông anh dở dở ương ương làm được cái gì đó rồi.

...

Có nhiều bạn đã tới những buổi chia sẻ CNTT của tôi, các bạn ấy rất ngạc nhiên làm thế quái nào tôi có thể nói chuyện về công nghệ từ ngày này qua ngày khác như vậy mà không chán. Cũng dễ hiểu thôi, bởi tôi nhìn thấy phía sau công nghệ có những ca từ rất lãng mạn trong khi nhiều người thì sợ hãi không dám tiếp cận. Có nhiều lí do lắm mà họ hay tìm cớ để thoái thác học công nghệ: nào là tuổi già, nào là khó, nào là không đúng chuyên ngành, nào là cần gì biết công nghệ để làm giàu...Tôi thì không những thấy được tính thi ca của công nghệ, tôi còn nhìn thấy những con số tài chính khủng khiếp đằng sau những thi ca đó. Cho nên năm 2004 tôi đã bắt đầu từng bước vỡ lòng về công nghệ, tôi muốn bắt đầu học công nghệ sớm để sau này khỏi phải vội.

Những gì tôi làm được gần đây khiến tôi sợ hãi. Nếu như tôi không bắt đầu với công nghệ hơn mười mấy năm trước thì những gì tôi làm được, như câu chuyện xích lô trẻ em chẳng hạn, sẽ không bao giờ xảy ra!

Nhiều bạn đến hỏi tôi làm thế nào để khởi nghiệp thành công, tôi nói hãy cùng tôi phân tích về những con số cái đã. Sau khi phân tích về những con số khủng khiếp đó, tôi chỉ nói tùy bạn chọn cái gì thì chọn, chọn làm giàu nhanh hay chọn bắt đầu một hành trình có thể dẫn chúng ta đến đỉnh cao nhất của sự phát triển nhân loại.

Tôi bảo vệ quan điểm của tôi vô điều kiện, quan điểm sớm chứ không vội, đừng có vội vì vội cũng chẳng giải quyết được gì, đôi khi lại gây tai họa. Để học xong lấy một tấm bằng cử nhân, ra trường đi làm với mức lương 1000 usd/tháng là cả 4,5 năm đại học, trước đó là cả mười mấy năm học nữa mới xong. Vậy thì để tạo ra một doanh nghiệp to, doanh nghiệp minh triết, doanh nghiệp vĩ đại nhất định phải chuẩn bị rất, rất nhiều thứ.

Tôi đã hoàn thành bài test khởi nghiệp 0-1 mất 17 năm, giờ phải học để khởi nghiệp >1 nhưng tôi cũng chẳng vội vã gì.

Chúc các bạn cuối tuần thảnh thơi, vui vẻ!
--------------------------------
VUASEO.COM|cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh
NHAPHANPHOIVIET.COM | Kết nối doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng siêu nhanh
2 months ago

Chưa có trả lời nào!

It seems that this publication does not yet have any comments. In order to respond to this publication from Vuaseo.com , click on at the bottom under it